Bữa cơm gia đình, dạy con từ những đều rất nhỏ
Bữa cơm gia đình - từ bao đời nay, trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều được coi trọng, không chỉ bởi đây là quãng thời gian mà các thành viên trong gia đình được ngồi lại với nhau, cùng thưởng thức các món ăn, mà trong đó còn chứa đựng biết bao nhiêu nét văn hóa, ý nghĩa đặc sắc.
Với người dân Việt Nam, bữa cơm gia đình thể hiện nề nếp gia phong, chứa đựng nhiều hàm ý văn hóa, ứng xử hết sức tinh tế, là nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Người nhà quê ăn cơm thường ngồi lên chiếu, chõng hoặc sập gỗ, nhưng trải chiếu trên nền nhà hoặc sân nhà là phổ biến. Khi mẹ bắt đầu hoàn thành các món ăn ở dưới bếp rạ, thường có tiếng gọi với lên nhà với cô con gái rằng “ dọn cơm đi con”. Thế là mặc nhiên cô con gái nhỏ tiến hành lần lượt các bước: trải chiếu, sắp mâm cơm, bát đũa, rồi đi tìm bà, tìm bố để mời nghỉ tay dừng việc, về dùng bữa.
Món ăn nhà quê tuy có dân giã, đơn giản nhưng lại rất ấm áp và đong đầy tình thương. Sau mỗi mùa gặt, họ thường để lại dùng những loại gạo thơm ngon hảo hạng để gia đình cùng quây quần bên nhau thưởng thức.
Xem thêm>>> Mua gạo đặc sản tại đại lý gạo ST25 Hồ Chí Minh
Nhà quê thường có nhà ngói ba gian. TrảI chiếu ăn cơm không được chải gian chính giữa nhà mà cần trải lệch sang một bên để rộng cửa nhà ra vào đi lại. Chiếc chiếu phải trải ngay ngắn, không xô không lệch, và mâm cơm phải được đặt vào giữa chiếu.
Nồi cơm ngày trước được thổi rồi vùi trong tro bếp, được bưng lên sau cùng nhưng lại là thứ được dùng đầu tiên.Thường là bà, mẹ ngồi đầu nồi, tức ngồi cạnh nồi cơm, nếu nhà có con dâu, con gái lớn thì phải ngồi vào đầu nồi để làm nhiệm vụ xới cơm cho cả nhà. Vợ chồng phải ý tứ không ngồi cạnh nhau.
Lượt cơm đầu tiên trên mặt nồi thường cứng hoặc tro bếp vương vào nên thường được xới riêng ra, mẹ thường ăn bát cơm ấy hoặc cháy đáy nồi, vì cơm giữa nồi dẻo nhất, thường được xới cho người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ. Bát cơm xới cũng phải được xới khéo léo, xới không vương cơm dính miệng bát mà gọn vào phía giữa bát, lượng cơm tầm 2/3 bát là vừa. Phải xới cơm mời lần lượt từ người cao tuổi đến trẻ nhỏ, và mời ăn cơm cũng phải lần lượt từng người theo thứ tự như vậy.
Các cụ xưa quan niệm, xới cơm một muôi là xới cơm cúng, nên mỗi lần xới cơm là phải xới hai muôi. Người phụ nữ ngồi cạnh nồi cơm phải khéo léo quan sát cả mâm cơm, lúc ai đó gần ăn xong thì nên buông bát để kịp đón bát xới thêm cơm. Người muốn xin thêm cơm cũng phải ý tứ, nếu người đầu nồi đang bưng bát và thức ăn thì cũng phải chờ một chút hãy đưa bát…
Có rất nhiều điều nhỏ khác, mẹ dặn trong bữa cơm là:
Không gõ bát đũa, đồ ăn phải gắp, chấm nhẹ nhàng, đặt vào bát rồi hãy đưa lên miệng
Đồ mềm, ngon trong bữa ăn thường phải kính già, nhường trẻ, đặt các đĩa thức ăn ngon gần trước mặt bề trên, con trẻ không được xới tung đồ ăn trong đĩa để chọn miếng ngon.
Sau khi múc canh phải thả muôi về bát tô một cách nhẹ nhàng và để ngửa muôi gọn vào một mé bát.
Ăn uống nhẹ nhàng, từ tốn, cắn miếng vừa miệng và không nhai chóp chép, húp canh soàn soạt…
Thấy người lớn tuổi ăn xong trước, em bé nhất nhà sẽ nhanh nhẹn lấy tăm mời ông bà, bố mẹ!
Từ những điều rất nhỏ nhưng bữa cơm quê thể hiện sự quan tâm, ứng xử giữa mọi người trong gia đình với nhau, đặc biệt là đề cao sự khéo léo, vun vén, đảm đang của những người phụ nữ. Dẫu mâm cơm chẳng có món ngon cũng ăm ắp hạnh phúc vì trên thuận dưới hòa.
Nếp nhà qua bao nắng mưa vẫn như thế, nhưng mỗi bữa cơm lại vẹn tròn đong đầy tinh tế, yêu thương!